Có phải xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản không?

Thứ sáu - 06/10/2023 04:14
Mục lục

Mẹ đẻ của bà Bùi Thị A sinh năm 1922, chết năm 2015, bố đẻ của bà chết năm 2002. Bà A đến Văn phòng Công chứng để làm thủ tục khai nhận thừa kế di sản do mẹ để lại, công chứng viên yêu cầu bà phải có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bà (từ năm 2002-2015) từ sau khi bố của bà chết. Bà A hỏi, yêu cầu của công chứng viên có đúng không?

Về vấn đề này, Công ty Luật NewKey chi nhánh Nha Trang trả lời như sau:

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 (tình trạng còn hiệu lực), việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và công chứng văn bản khai nhận thừa kế được thực hiện như sau:

Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác (Điều 57 Luật Công chứng).

Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 58 Luật Công chứng).

Thành phần hồ sơ yêu cầu công chứng: Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Đối với di sản là tài sản chung vợ chồng, mà vợ hoặc chồng chết trước, thì phải xác định tình trạng hônnhân của người chết sau để biết sau khi một người chết trước thì người còn sống có kết hôn với người khác không, có phát sinh thêm người thừa kế thừa kế theo pháp luật của người chết sau  không?

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng, chứng thực đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản khai nhận di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, hoặc văn bản khai nhận di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Trường hợp bà Bùi Thị A phản ánh, mẹ đẻ của bà A sinh năm 1922 đã chết năm 2015. Bố của bà A chết từ năm 2002. Khi thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế tài sản của mẹ bà A để lại, công chứng viên yêu cầu bà A phải làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bà từ thời gian sau khi bố bà A chết (từ năm 2002 đến năm 2015). Theo luật sư, yêu cầu của Công chứng viên là có căn cứ và đúng pháp luật, nhằm xác định sau khi bố của bà A chết (năm 2002) thì mẹ của bà A có kết hôn với người khác không, có phát sinh thêm người thừa kế thừa kế theo pháp luật của mẹ bà A không? Mặc dù, trên thực tế, sau khi người chồng chết, người vợ đã ở tuổi 80, già yếu, hiếm có người kết hôn một lần nữa. Tuy nhiên, đây là thủ tục pháp lý bắt buộc, để phòng ngừa phát sinh tranh chấp về thừa kế. 

Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hộ tịch (tình trạng còn hiệu lực), UBND cấp xã nơi thường trú của mẹ bà Thảo lúc còn sống trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2017 có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Căn cứ quy định tại Điều 22 của Nghị định này, với tư cách là người yêu cầu bà A viết tờ khai yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ theo mẫu quy định, nộp cùng Giấy chứng tử của bố (chết năm 2002) do UBND cấp xã cấp theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Trích lục khai tử của mẹ (chết năm 2015) do UBND cấp xã cấp theo quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, để chứng minh nội dung yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân cho mẹ là có cơ sở.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của mẹ bà Thảo trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến khi chết vào năm 2015 và trình Chủ tịch UBND ký cấp cho bà A 1 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bà A khi còn sống.

Theo hướng dẫn tại Điều 25 của Thông tư số 15/2015/BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp (tình trạng còn hiệu lực), thì Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bà A sẽ được ghi nội dung:  “Có đăng ký kết hôn, nhưng chồng đã chết ngày…tháng….năm 2002 (Giấy chứng tử số:... do... cấp ngày... tháng... năm...); từ khi chồng chết đến khi mẹ bà A chết ngày… tháng….năm 2015 (Trích lục khai tử số…do…cấp ngày…tháng…năm…) mẹ bà A chưa đăng ký kết hôn với ai.

Mục đích Giấy này được cấp để làm thủ tục thừa kế.

Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân này có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp”.

*Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc.


 

Tác giả: New Key NT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây