Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dạy thêm – Cập nhật 2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện mở lớp dạy thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/02/2025. Theo đó, muốn mở lớp dạy thêm thì phải đăng ký kinh doanh. Vậy ngoài thành lập công ty thì còn cần đáp ứng điều kiện gì để kinh doanh dạy thêm? Bài viết sau đây sẽ giải đáp chi tiết.

Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dạy thêm – Cập nhật 2025
Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dạy thêm – Cập nhật 2025

1. Các điều kiện chung để thành lập công ty kinh doanh dạy thêm

Điều kiện về người thành lập: Người thành lập công ty dạy thêm không rơi vào các trường hợp tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020. Đặc biệt cần lưu ý trường hợp đối với các chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước và các trường hợp cấm khác được quy định trong Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng thì không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, nếu giáo viên là viên chức thì sẽ không được thành lập doanh nghiệp.

Người đăng ký thành lập công ty dạy thêm không cần bằng cấp liên quan đến sư phạm. Giáo viên tại các trường dân lập, tư thục mới có thể tự đứng tên thành lập công ty. Riêng giáo viên tại các cơ sở công lập thì không được tổ chức, điều hành, quản lý lớp dạy thêm mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường theo hợp đồng.

Về loại hình doanh nghiệp, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm pháp lý riêng. Dựa trên các điều kiện bạn đang có về số lượng thành viên sáng lập, định hướng kinh doanh mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn một trong bốn loại hình doanh nghiệp được quy định trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, đó là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Trong bốn loại hình doanh nghiệp trên, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có những đặc điểm pháp lý nổi trội hơn như có tư cách pháp nhân, chế độ trách nhiệm hữu hạn và nhiều phương thức huy động vốn nên được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về ưu, nhược điểm của hai loại hình này để đưa ra quyết định đúng đắn.

Về kê khai vốn điều lệ, hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm không yêu cầu vốn pháp định nên bạn có thể tự do kê khai vốn điều lệ tùy vào nhu cầu, quy mô kinh doanh và khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, chủ doanh nghiệp nên chọn mức vốn điều lệ hợp lý để đủ vận hành công ty. Không nên đăng ký số vốn quá cao vì bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm các vấn đề pháp lý liên quan trên số vốn đã kê khai. Cũng không nên kê khai quá thấp vì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng và đối tác, trở thành rào cản trong quá trình kinh doanh. Thời hạn góp vốn là trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần góp đủ số vốn điều lệ đã ghi trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Về lựa chọn tên công ty, tên công ty cũng là yếu tố quan trọng để nhận diện thương hiệu và gây ấn tượng với khách hàng và đối tác. Tên công ty bao gồm ba loại: tên công ty bằng tiếng Việt, tên công ty bằng tiếng nước ngoài và tên công ty viết tắt, trong đó tên công ty bằng tiếng nước ngoài và tên công ty viết tắt không bắt buộc. Bạn có thể tự do lựa chọn tên công ty cho mình nhưng phải đảm bảo đúng hai nguyên tắc sau: tên công ty đảm bảo đúng cấu trúc, gồm loại hình doanh nghiệp, tên lót (nếu có) và tên riêng, trong đó loại hình doanh nghiệp và tên riêng là hai thành tố bắt buộc, tên lót không phải thành tố bắt buộc. Loại hình doanh nghiệp có thể được viết là Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty TNHH đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty cổ phần hoặc Công ty CP đối với công ty cổ phần; Công ty hợp danh hoặc Công ty HD đối với công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân hoặc DNTN hoặc doanh nghiệp TN đối với doanh nghiệp tư nhân. Tên lót thường được thêm vào để khách hàng dễ nhận diện lĩnh vực chính mà công ty kinh doanh và để tránh trùng với tên công ty đã đăng ký trước.

Ngoài ra, tên công ty không rơi vào các trường hợp cấm của pháp luật, không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp đã đăng ký trước đó. Bạn nên tham khảo tên các doanh nghiệp khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để tránh trùng tên. Bên cạnh đó, không sử dụng từ ngữ vi phạm truyền thống, văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội… trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

Về cách thức đăng ký ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Theo đó, ngoài các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, công ty dạy thêm có thể đăng ký một ngành nghề chính và nhiều ngành kinh doanh khác. Pháp luật cho phép bạn đăng ký cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không có điều kiện. Bạn có thể tham khảo các mã ngành dự kiến kinh doanh tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 4. Ví dụ các mã ngành cho công ty dạy thêm như sau: mã ngành 8559 (chính) Giáo dục khác chưa được phân vào đâu và mã ngành 8560 Dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Trong danh sách các ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, nếu bạn lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện thì cần đáp ứng đầy đủ những điều kiện luật định trước khi tiến hành kinh doanh, không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện này tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều kiện thành lập công ty dạy thêm

Dạy thêm là ngành nghề có điều kiện, ngoài việc đăng ký kinh doanh thì bạn còn cần đáp ứng những điều kiện sau: không dạy thêm đối với lứa tuổi tiểu học, nghĩa là đối với học sinh tiểu học, cấm không tổ chức dạy thêm, dù trong hay ngoài nhà trường, dù có thu tiền hay không thu tiền, trừ ba trường hợp ngoại lệ, đó là bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống. Do đó, các hoạt động như dạy tiếng Anh theo chương trình riêng, luyện chữ đẹp, toán tư duy, dạy múa, hát, thể thao vẫn được phép dạy cho học sinh tiểu học nhưng phải xin giấy phép hoạt động có liên quan, ví dụ trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu.

Điều kiện về cơ sở vật chất, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT mới không đưa ra yêu cầu cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở dạy thêm, nhưng theo thông tư này thì việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải đảm bảo các nguyên tắc sau: phù hợp với tâm lý, sức khỏe của học sinh, tuân thủ các quy định pháp luật về thời gian làm việc, làm thêm giờ và đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ tại địa điểm tổ chức dạy thêm. Như vậy, dù không có quy định cụ thể về cơ sở vật chất thì các lớp dạy thêm vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Điều kiện về giáo viên giảng dạy, giáo viên thuộc các trường công lập không được đứng ra thành lập công ty. Tuy nhiên, thầy cô vẫn có thể tham gia dạy thuê cho các công ty dạy thêm, hoặc nhờ người thân thành lập công ty và thuê mình về dạy. Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm. Giáo viên các trường, không phân biệt công lập hay dân lập, không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mình đang được nhà trường phân công dạy chính khóa. Khi dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên phải báo cáo cho hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm theo mẫu số 03 tại phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Điều kiện về công khai thông tin, công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

3. Một số việc cần lưu ý

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện một số công việc sau: treo biển hiệu tại trụ sở công ty, khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp. So với trước đây, Luật Doanh nghiệp 2020 (áp dụng từ ngày 01/01/2021) đã lược bỏ đi quy định công bố thông tin mẫu dấu trước khi sử dụng. Do đó, doanh nghiệp được toàn quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp và được sử dụng ngay sau khi khắc dấu. Doanh nghiệp cũng được lựa chọn khắc tại bất kỳ đơn vị dịch vụ khắc dấu nào, không buộc phải khắc dấu tại cơ quan công an.

Ngoài ra bạn cần mở tài khoản ngân hàng cho công ty, đăng ký mua chữ ký số (token) để thực hiện kê khai thuế trực tuyến, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và thông báo phát hành hóa đơn điện tử, kê khai và nộp lệ phí môn bài. Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/02/2020), công ty sẽ được miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên, tuy nhiên vẫn phải nộp tờ khai lệ phí môn bài. Trong các năm sau, lệ phí môn bài được tính dựa trên vốn điều lệ, cụ thể là vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng thì mức lệ phí môn bài là 3 triệu đồng/năm, còn vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống thì mức lệ phí môn bài là 2 triệu đồng/năm. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu và thiết lập chế độ sổ sách kế toán để đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng quy định.

Lời kết

Bạn có bất kỳ thắc mắc nào về pháp luật? Hãy inbox trực tiếp cho fanpage Luật New Key Nha Trang. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Xem thêm các tin tức khác tại: Trang Tin Tức – Công ty Luật TNHH New Key