Nhầm lẫn về mối quan hệ nhân khẩu giữa hộ khẩu thường trú, và thành viên hộ trong hộ gia đình sử dụng đất và quyền thừa kế

Thứ sáu - 20/10/2023 05:45
Trước đây và bây giờ, rất nhiều người nhầm lẫn về mối quan hệ giữa các nhân khẩu trong sổ hộ khẩu thường trú với các thành viên hộ gia đình sử dụng đất và quyền thừa kế là chung nhất, cho nên vừa qua mọi người có phản ứng gay gắt về chuyện ghi tên thành viên hộ gia đình trênGiấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi họ cứ nghĩ có tên trong sổ hộ khẩu thì sẽ đựơc ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đây là sai lầm nghiêm trọng trong cách nghĩ và suy diễn vốn đã tồn tại lâu đời, càng nghiêm trọng hơn nếu bạn là một cán bộ tư pháp hay cán bộ địa chính tại địa phương, vì từ cách hiểu này mới đẻ ra những thứ giấy tờ, thủ tục rắc rối buộc phải có khi người dân có yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay yêu cầu phân chia di sản thừa kế và các thủ tục khác liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền thừa kế.
Xin thưa rằng, sổ hộ khẩu, quyền sử dụng đất và cả quyền thừa kế là độc lập và không có mối quan hệ liên thông với nhau, như cách hiểu nhầm lẫn của nhiều người hiện nay.
Theo Luật cư trú năm 2020 thì “Nơi thường trú” là nơi công dân sinh sống ổn định lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Đồng thời Điều 4 Luật cư trú 2020 quy định việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân: “1 Công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy hộ khẩu thường trú là phương thức để quản lý nơi cư trú của công dân.
Theo Luật đất đai 2013 thì Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Vậy, những người trong một hộ gia đình có quyền sử dụng đất phải đáp ứng 3 điều kiện:
Thứ nhất, về mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng
Thứ hai, đang sống chung với nhau.
Thứ ba, có quyền sử dụng đất tại thời điểm được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Nếu so với các thành viên trong hộ khẩu thường trú thì chỉ mới đáp ứng được điều kiện sống chung, những thành viên có tên trong hộ khẩu thường trú vẫn có thể không thuộc mối quan hệ hôn nhân, huyềt thống, nuôi dưỡng và cũng có thể không có quyền sử dụng đất.
Vậy, có tên trong hộ khẩu thường trú thì chưa chắc là thành viên hộ gia đình sử dụng đất mà còn phải đáp ứng 2 điều kiện về mối quan hệ và quyền sử dụng đất.
Thêm nữa, đó là quyền thừa kế, cứ ngỡ rằng có tên trong hộ gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải được chia thừa kế khi một trong các thành viên trong hộ gia đình mất. Sổ hộ khẩu là cơ sở để xác định mối quan hệ nhân thân.
Đây là quan niệm hoàn toàn sai, bởi theo Bộ luật dân sự 2015, thừa kế có 2 loại: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Và những người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”
Vì rất nhiều lý do mà những người thừa kế theo quy định nêu trên có thể không có tên trong hộ gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú của người đã mất. Và để chứng minh mối quan hệ với người đã mất được hưởng quyền thừa kế theo quy định pháp luật là Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác có giá trị chứng minh mối quan hệ nêu trên.
Như vậy, cách xác định các thành viên là khác nhau.
Thủ tục xác nhận thành viên hộ gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú chỉ là loại giấy tờ để xác định các thành viên cùng thường trú tại một địa điểm, các thành viên có thể có mối quan hệ huyết thống hoặc không, còn quyền sử dụng đất của hộ gia đình là phải xác định các thành viên có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng cùng sống chung và có quyền sử dụng đất tại thời điểm được giao đất, cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Và người được hưởng quyền thừa kế là xác định theo mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn có sự phân biệt rạch ròi về mối quan hệ giữa thành viên hộ gia đình đăng ký thường trú với thành viên hộ gia đình sử dụng đất, quyền thừa kế.
 

Tác giả: New Key NT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây