Mua quà tặng người yêu rồi. Chia tay có đòi lại được không?

Thứ sáu - 05/04/2024 05:37
CHIA TAY CÓ THỂ ĐÒI QUÀ ĐƯỢC KHÔNG?
Mua quà tặng người yêu rồi. Chia tay có đòi lại được không?
 
Tôi và người yêu đã yêu nhau 7 năm. Trong khoảng thời gian này, vì quá say mê cô ấy, tôi có tặng một chiếc ôtô và một thửa đất đứng tên cô ấy. Đến thời điểm hiện tại, vì những bất đồng quan điểm nên cả 2 chúng tôi đều thống nhất chia tay. Vì kinh tế khó khăn, tôi muốn đòi lại thửa đất và chiếc ôtô đã tặng cho người yêu tôi liệu có được không? Kính mong phía Luật sư cho tôi câu trả lời về trường hợp của mình. Cùng Công ty Luật New Key trả lời câu hỏi này:
Vấn đề này vốn là một đề tài đã được bàn luận sôi nổi từ rất lâu trong đời sống đến trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Mọi người thường chia ra theo hai luồng ý kiến khác nhau là sau khi chia tay thì hai bên nên đòi lại các món quà đã tặng trong quá trình yêu nhau và một quan điểm khác là người đàn ông sau khi chia tay thì không nên đòi lại các món quà đã tặng cho cô gái. Vậy hôm nay, chúng ta sẽ cùng phân tích vấn đề này dựa trên các quy định pháp luật tại Việt Nam:

(Có thể đòi quà sau khi chia tay? – hình ảnh từ internet)
  1. Quà tặng là động sản
Theo Điều 475 Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng, cho, giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Khi việc tặng cho đã có hiệu lực tức là việc tặng cho tài sản đã được hoàn tất thì bên tặng cho sẽ không có quyền đòi lại. Tuy nhiên, bên tặng cho có thể đòi lại tài sản trong những trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện: Theo Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, trường hợp hợp đồng tặng cho không có điều kiện nhưng vô hiệu: Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ hai điều kiện sau:
Về nội dung, chủ thể thực hiện giao dịch có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Về hình thức, hợp đồng phải đáp ứng đúng yêu cầu do pháp luật quy định. Cụ thể, nhà đất là bất động sản thì hợp đồng tặng cho nhà đất phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà đất.
Như vậy, nếu việc tặng cho tài sản mà không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho bị vô hiệu thì người tặng cho có thể đòi lại tài sản đã tặng cho. Khi đó hai bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã nhận.
Vì vậy, nếu thời điểm bạn nam tặng ôtô cho bạn nữ có hợp đồng tặng cho có kèm theo điều kiện yêu cầu bạn nữ thực hiện nghĩa vụ không trái với quy định pháp luật nhưng bạn nữ không thực hiện được hoặc có hợp đồng tặng cho ôtô nhưng hợp đồng đó bị tuyên vô hiệu thì bạn nam có thể lấy lại chiếc ôtô của mình. Nhưng nếu bạn nam chỉ tặng cho mà không có hợp đồng hoặc bạn nữ thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho thì xin chia buồn với bạn nam vì bạn không thể đòi lại được chiếc xe đấy.
  1. Quà tặng là bất động sản

Nếu bạn nam ban đầu tuân thủ mọi quy định của pháp luật về điều kiện, trình tự và thủ tục tặng cho bất động sản, như được quy định trong Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự hiện hành, thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người yêu đã được hợp pháp hóa.
Theo quy định tại Điều 459 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 về việc tặng cho bất động sản:
“- Việc tặng cho bất động sản phải được thực hiện bằng văn bản, được công chứng hoặc chứng thực, hoặc phải đăng ký nếu bất động sản đó cần phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; trong trường hợp bất động sản không cần đăng ký quyền sở hữu, hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Do đó, đối với việc tặng cho bất động sản, phải có văn bản, được công chứng hoặc chứng thực, hoặc đăng ký nếu bất động sản đó cần phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 117 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được xem là hợp lệ khi đáp ứng các điều kiện sau:
“- Các bên tham gia giao dịch phải có năng lực pháp lý và hành vi dân sự phù hợp với giao dịch đã thiết lập;
- Các bên tham gia giao dịch phải làm điều đó hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm quy định của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
Hình thức của giao dịch dân sự là một trong những điều kiện quan trọng để giao dịch đó có hiệu lực, tùy thuộc vào quy định của pháp luật.”
Do đó, nếu hợp đồng tặng cho thửa đất không đáp ứng các điều kiện cần thiết, hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực.
Trong trường hợp, nếu bạn nam tặng cho thửa đất đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục và quy định của pháp luật, thì không thể yêu cầu hoàn trả lại, trừ khi có sự thiếu sót trong việc thực hiện hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Cụ thể, theo Điều 462 của Bộ Luật Dân sự mới nhất năm 2015, việc tặng cho tài sản có thể đi kèm với điều kiện nhất định như sau:
“- Bên tặng có thể yêu cầu bên nhận thực hiện một số nghĩa vụ trước hoặc sau khi nhận tặng. Tuy nhiên, các yêu cầu này không được vi phạm quy định của pháp luật hoặc đạo đức xã hội.
- Trong trường hợp bên nhận tặng không thực hiện nghĩa vụ sau khi đã nhận tặng, bên tặng có quyền yêu cầu hoàn trả lại nhà, đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Do đó, chỉ khi có sự thỏa thuận trước đó về các điều kiện tặng cho và việc này được ghi trong hợp đồng, bạn nam mới có quyền yêu cầu hoàn trả lại tài sản nếu bạn nữ không tuân thủ thỏa thuận.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 131 của Bộ Luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp Hợp đồng tặng cho nhà, đất không có hiệu lực do không tuân thủ các quy định về hình thức hoặc do có sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, các bên sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rõ việc đòi lại các món quà sau khi chia tay khó có thể thực hiện được, vì về cơ bản rất ít cặp đôi sẽ thực hiện một hợp đồng tặng cho có yêu cầu đối phương thực hiện nghĩa vụ hay các thỏa thuận khác trong thời gian yêu nhau.
Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó có thể giúp mọi người nhận ra và chủ động hơn trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về tặng, cho tài sản hoặc các cặp đôi hãy cứ cố gắng ở bên nhau thì sẽ không cần phải đòi lại quà. Còn nếu không thể tiếp tục cố gắng, các bạn hãy xem đấy như một lệ phí tình yêu để rút kinh nghiệm lần sau nhé!!!
 

Tác giả: New Key NT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây